Sự hình thành Đế quốc Đức Đế_quốc_Đức

Trong giai đoạn 1866-1871, thiên tài chính trị Otto von Bismarck chấm dứt tình trạng chia rẽ giữa các lãnh thổ do người Đức cai trị, vốn đã hiện diện gần một nghìn năm, thay vào đấy là nước Đức - Phổ. Bismarck đã tạo dựng nên một Đế quốc Đức quy tụ dân tộc có thiên bẩm, năng động.

Khi nắm quyền Thủ tướng nước Phổ năm 1862, Otto von Bismarck đã tuyên bố: Những vấn đề trọng đại hiện giờ sẽ không được giải quyết bằng lá phiếu theo đa số, mà qua cách thức sắt máu. Chính xác đấy là cách ông tiến hành, dù ông cũng sử dụng đường lối ngoại giao nhưng thường có tính dối trá. Mục tiêu của Bismarck là xóa bỏ tự do, củng cố quyền lực theo đường lối bảo thủ – đấy là quyền lực của tầng lớp quý tộc Junker, của quân đội và vương triều – và biến Đế quốc Đức thành cường quốc.

Bismarck trước tiên lo gây dựng quân đội Phổ vốn là nòng cốt cho lực lượng quân sự của đế quốc. Khi nghị viện không chịu biểu quyết thêm ngân sách, ông giải tán nghị viện rồi tự huy động nguồn kinh phí. Sau khi đã tăng cường quân đội, Bismarck phát động ba cuộc chiến. Khởi đầu là đánh Đan Mạch năm 1864, sáp nhập các công quốc SchleswigHolstein vào lãnh thổ Đức. Kế tiếp là đánh Áo năm 1866, giành được chiến thắng lừng lẫy trong trận đánh quyết định tại Königgrätz.[9] Sau đó, cuộc chiến tranh Pháp-Phổ bùng nổ, Quân đội Phổ đại thắng trong trận Sedan, buộc quân Pháp phải xin hàng.[10]

Nước Phổ sáp nhập mọi công quốc của người Đức nằm về phía bắc sông Main: Hanover, Hesse, Nassua, FrankfurtElbe. Vào năm 1870, thấy nước Phổ ngày một lớn mạnh, Pháp hung hăn gây chiến. Nhưng nước Phổ liên minh với các nước miền Nam Đức, có vũ trang tốt hơn, tổ chức cao hơn và chiến đấu tốt hơn, đã dễ dàng đối phó với quân thù. Chỉ chưa đầy 2 tháng, sức mạnh của Pháp đã tan tành mây khói. Trong trận đánh kịch liệt tại Sedan, liên quân Đức xông pha như vũ bão đập tan nát địch quân. Hoàng đế Pháp là Napoléon III bị bắt, để rồi Pháp phải chịu thất bại nhục nhã. Những lãnh thổ miền nam nước Đức, đứng đầu là vương quốc Bayern, được sáp nhập vào nước Đức-Phổ.[11]